Diễn biến Chiến_tranh_Thục-Ngụy_(263-264)

Hai bên giao tranh

Phòng tuyến của quân Thục

Quân Ngụy do Chung Hội và Đặng Ngải thống lĩnh tiến quân vào đất Thục. Đoàn quân Ngụy chia làm hai, một cánh do Chung Hội dẫn đầu đánh trực diện, cánh kia cho Đặng Ngải thống lĩnh đánh vu hồi, bọc sau lưng quân Thục. Khương Duy ở Đạp Trung được tin, bèn viết biểu về triều, đề nghị Lưu Thiện điều động Trương Dực, Liêu Hóa bảo vệ Dương An và Âm Bình. Nhưng Lưu Thiện tin theo Hoàng Hạo, không nghe theo những tờ thư của ông, nên quân Thục không được điều động đi phòng thủ.

Khương Duy nghe tin 2 cánh đại quân Chung Hội, Đặng Ngải tiến vào, bèn lui về phía đông, trên đường rút lui ông bị Đặng Ngải truy kích. Lúc đó Gia Cát Tự cũng chiếm được Vũ Đô, đến gần Âm Bình, cắt đường rút lui của ông. Ông bị dồn vào Khổng U Cốc.[4] Ông dùng mưu lừa Gia Cát Tự, đốt đầu phía bắc cầu Âm Bình, Tự vội chạy qua phía bắc để chặn, ông bèn mau chóng qua cầu mà sang. Khương Duy gặp viện binh của Liêu Hóa. Ông lệnh cho Liêu Hóa ở lại Âm Bình chống quân Ngụy, còn mình mang quân ra đánh Chung Hội.

Khi Đặng Ngải sắp kéo đến Đạp Trung, Chung Hội sắp tiến vào Lạc Cốc, triều đình Thục Hán mới cho Trương Dực, Đổng Quyết dẫn quân tới Dương An lập trại tiếp ứng. Liêu Hóa tiến đến Âm Bình, nghe tin tướng Ngụy là Gia Cát Tự đến Đình Uy, nên dừng lại chờ đón đánh. Hội tấn công dữ dội vào Hán Trung và Lạc Thành. Tướng giữ ải Dương Quan là Tưởng Thư đầu hàng, để mặc phó tướng Phó Thiêm tử trận. Hội tấn công Lạc Thành không hạ được, nhưng lại nghe tin một cánh quân của mình đã chiếm được Quan Khẩu nên theo đường đó tiến vào.

Khương Duy, Liêu Hóa bỏ Âm Bình rút lui, gặp Đổng Quyết và Trương Dực vừa kéo đến Hán Thọ. Ông cùng các tướng họp quân rút về Kiếm Các cầm cự với Chung Hội. Lúc này Chung Hội viết thư dụ hàng Khương Duy. Ông không trả lời mà lập trại bố phòng. Hai bên giữ nhau khá lâu, quân Ngụy đi đánh đường xa, vận chuyển lương thảo khó khăn nên Hội bị thiếu lương. Chung Hội lo sợ xảy ra bất trắc nên toan tính chuyện rút quân.

Tập kích Âm Bình

Lúc bấy giờ tướng Ngụy Chung Hội đương đối chiến với tướng nhà Thục Hán là Khương Duy ở Kiếm Các. Nhận thấy quân Thục kháng cự quyết liệt và trong khi Chung Hội bắt đầu nản chí thì Đặng Ngải lại đi tắt theo đường núi Âm Bình, vượt qua Cảnh Cốc. Đặng Ngải đã đem quân đi lẻn về phía Âm Bình Sơn, một vùng núi non hiểm trở, nơi mà quân Thục không phòng bị. Quân Ngụy ra khỏi 800 dặm đường núi hoang vắng, xuống đồng bằng đánh thành Miên Trúc. Tướng Thục Hán là Gia Cát Chiêm (con trai cố thừa tướng Gia Cát Lượng) đem quân đánh chặn ở ải Miên Trúc nhưng bại trận, ông và con trai là Gia Cát Thượng đều tử trận. Đặng Ngải đem quân tiến thẳng tới Thành Đô, chúa nước Thục là Lưu Thiện phải ra hàng.[5] Có thể nói nếu không có Đặng Ngải đem theo một cánh kỳ binh đi đường Âm Bình để đánh úp Thành Đô thì chưa biết bao giờ nước Thục lại bị bại vong, sau khi vào bên trong Thành Đô thì Đặng Ngải từ trong đánh ra, Chung Hội từ bên ngoài đánh vào, hình thành hai mũi giáp công nhanh chóng tiêu diệt nước Thục.[6]

Khi biết Lưu Thiện định ra hàng, con trai ông là Bắc Địa Vương Lưu Thầm tức giận nói: "Nếu như lý đuối lực tàn, hoạ hoạn khó tránh, dù cho cha con vua tôi dựa lưng vào tường thành mà đánh một trận, chết cùng xã tắc, cũng có thể gặp mặt Tiên Đế vậy". Lưu Thiện không chấp thuận. Hôm ấy, Lưu Thầm khóc trong Chiêu Liệt miếu, rồi trước giết vợ con sau tự sát chết. Tả hữu không ai không rơi lệ khóc.

Kim Thánh Thán trong Thánh Thán ngoại thư (in kèm bản Tam quốc diễn nghĩa của Mao Tôn Cương) có lời khen ngợi Lưu Thầm:

Vũ hầu (Gia Cát Lượng) có con trung dũng, lại thêm có cháu trung liệt. Đời cho như vậy là Vũ hầu không chết. Tiên Chủ (Chiêu Liệt Đế Lưu Bị) tuy không có con anh hùng, nhưng có cháu (Bắc Địa vương Lưu Thầm) khảng khái, cháu thay cho con, đời cũng cho là Tiên chúa không chết. Nếu Hậu chúa Lưu Thiện cũng có khí phách như Bắc Địa vương thì có thể nuốt Ngô diệt Ngụy. Nhà Hán đâu đến nỗi bại vong? Khi Thành Đô thất thủ, Lưu Lưu Thầm biết uất ức vì cha mà chết, lại khiến ta thấy cái di phong của Chiêu Liệt Đế. Ôi! Nhà Thục Hán mất rồi, nhưng ta vẫn thấy rờ rờ có sinh khí hơn các triều đại khác.Nhà Tây Hán mất ở cậu bé con Lưu Anh (Nhụ tử Anh). Nhà Đông Hán mất ở vua Hiến Đế. Nhưng việc mất ngôi chỉ im lìm, chứ không có gì chấn động. Đến khi mà Thục Hán mất, Lưu Thiện tuy hèn, nhưng có con là Bắc Địa vương biết chết vì trung hiếu. Đó là suy vong mà vẫn có sinh sắc vậy.Khi nhà Tây Hán mất ngôi có Vương hoàng hậu biết mắng Vương Mãng. Khi nhà Đông Hán mất ngôi có Tào hoàng hậu biết mắng Tào Phi. Hai người đó mới biết mắng gian thần, chứ chưa biết chết để nêu gương trung liệt. Duy lúc nhà Thục Hán mất ngôi, có Bắc Địa vương "biết chết", rồi Thôi phu nhân cũng “biết chết”. Hai chữ "năng tử" đủ làm "sinh sắc" cho Hán triều vậy.